Bệnh viện ở trung tâm Dải Gaza đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nhiên liệu cho máy phát điện. Nếu máy phát điện ngừng hoạt động,ệnhviệnGazadầncạnđiệntrẻsơsinhlâxoilac ông Iyad Abu Zahar, giám đốc bệnh viện, lo rằng những đứa trẻ trong lồng ấp không thể tự thở sẽ tử vong.
Các cơ sở y tế khác chăm sóc trẻ sinh non ở Dải Gaza cũng đối mặt nguy cơ tương tự, khi tình trạng thiếu nhiên liệu diễn ra vào lúc Israel bao vây hoàn toàn dải đất và không kích đáp trả cuộc đột kích ngày 7/10 của lực lượng Hamas. Ít nhất 130 trẻ sinh non tại 6 cơ sở trên dải đất gặp "nguy cơ ảnh hưởng tính mạng".
"Trách nhiệm của chúng tôi là rất lớn", ông Zahar nói. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 50.000 phụ nữ mang thai ở Gaza không thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, khoảng 5.500 người sẽ sinh con trong tháng tới.
Ít nhất 7 trong số gần 30 bệnh viện ở Dải Gaza đã phải đóng cửa do thiệt hại vì đòn không kích, cùng tình trạng thiếu điện, nước, vật tư y tế. Các bệnh viện còn lại đang "trên bờ vực thẳm". Cơ quan Cứu trợ Liên Hợp Quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA) nói các bệnh viện chỉ còn đủ nhiên liệu dùng trong ba ngày.
"Cộng đồng quốc tế không thể chỉ đứng nhìn những đứa trẻ này thiệt mạng. Nếu họ không làm gì, những sinh linh nhỏ bé này sẽ bị kết án tử", Melanie Ward, giám đốc điều hành Tổ chức Viện trợ Y tế cho Người Palestine (MAP), trụ sở ở Anh, nói.
Trong số 20 xe cứu trợ đầu tiên tiếp cận Gaza ngày 21/10, không chiếc nào mang theo nhiên liệu. Nguồn cung nhiên liệu hạn chế còn lại trong dải đất được ưu tiên gửi đến các bệnh viện để chạy máy phát điện.
7 tàu chở dầu đã lấy nhiên liệu từ kho của Liên Hợp Quốc, nhưng không rõ liệu số nhiên liệu này có hướng tới các bệnh viện hay không. Dải đất cần ít nhất 150.000 lít nhiên liệu để đáp ứng ở mức cơ bản tại 5 bệnh viện chính.
Giám đốc Abu Zahar lo rằng bệnh viện al-Aqsa chỉ có thể trụ "trong vài giờ nữa do nhu cầu lớn". Bệnh viện này phải tăng gấp đôi công suất do đón những bệnh nhân ở miền bắc và miền trung đổ về, bởi các bệnh viện khác đã đóng của.
Một số trẻ sơ sinh có thể chết trong vài giờ, số khác có thể cầm cự vài ngày, nếu không có điện và thuốc men cần thiết, Guillemette Thomas, điều phối viên y tế của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), lo lắng, nhấn mạnh đây là "trường hợp khẩn cấp".
Khi thấy con gái mới sinh khó thở, đau đớn, Nisma al-Ayubi đã đưa bé đến bệnh viện al-Aqsa. Cô trước đó mang bụng bầu di tản khỏi Nuseirat ở phía bắc đến miền trung dải đất.
Bé gái chào đời cách đây ba ngày, nhưng sớm phát triển biến chứng. "Bệnh viện thiếu nguồn cung. Nếu tình hình tồi tệ, con tôi sẽ không có thuốc điều trị", cô nói.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng do nguồn nước bẩn mà nhiều người phải sử dụng kể từ khi Israel cắt nguồn cung nước. Giám đốc Zahar cho hay các bà mẹ đang pha sữa bột bằng nguồn nước này để cho trẻ uống, làm tăng số ca nghiêm trọng tại khu vực.
Trong khi đó, bệnh viện al-Awda ở phía bắc Jabalia đã nhận lệnh sơ tán từ quân đội Israel, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động khi đón tới 50 trẻ sơ sinh chào đời mỗi ngày.
"Tình hình thật bi thảm. Chúng tôi thiếu trầm trọng các loại thuốc khẩn cấp, thuốc gây mê, gây tê cũng như các vật tư khác", Ahmed Muhanna, giám đốc al-Awda nói, thêm rằng chỉ còn đủ nhiên liệu hoạt động tối đa 4 ngày. "Chúng tôi đã kêu gọi nhiều tổ chức quốc tế cấp nhiên liệu, nhưng vẫn chưa có kết quả".
Bệnh viện đã dừng tất cả các ca mổ được lên kế hoạch để dành toàn bộ nguồn lực cho các ca sinh nở, cấp cứu. Những ca phức tạp hơn sẽ được gửi đến bệnh viện al-Aqsa.
Bà Thomas, điều phối viên MSF, cho hay một số thai phụ đã sinh con trong các trường học do Liên Hợp Quốc điều hành tại Gaza, nơi có hàng chục nghìn người đang trú ẩn.
"Những người phụ nữ này và những đứa trẻ đang lâm nguy. Tình hình rất nghiêm trọng", bà nói.
Đức Trung (Theo AP)